Ngắm những cánh đồng hoa oải hương khắp thế giới

Hoa oải hương nổi tiếng ở Provence (Pháp). Nhưng ở nhiều nơi khác như Anh, Mỹ, Trung Quốc những cánh đồng hoa oải hương trải dài vẫn tạo thành những bức tranh tím tuyệt đẹp.

Hoa oải hương vốn có nguồn gốc từ miền Địa Trung Hải, với mùi thơm nồng nàn. Loài hoa tím này được biết đến cách đây hàng nghìn năm từ thời Hy Lạp cổ đại. Người La Mã đã gieo trồng nó ở khắp các nước châu Âu, trong đó miền Nam nước Pháp là một trong những nơi có nhiều hoa oải hương nhất.

Provence (Pháp)

Provence, nằm ở vùng Đông Nam nước Pháp gần Mediterranean. Nơi đây nổi tiếng với những cánh đồng hoa oải hương trải dài bất tận. Hoa oải hương được trồng nhiều nhất, đẹp nhất là ở làng Luberon bình yên, cổ kính. Đi dạo bằng xe đạp trên những cánh đồng hoa oải hương rực rỡ những ngày hè là cách du ngoạn được nhiều du khách lựa chọn nhất khi đến đây.

Banstead (Anh)

Thị trấn Banstead (Anh) là một thị trấn nhỏ thuộc hạt Surrey, cách London khoảng 21km về phía Nam. Hoa oải hương được trồng phổ biến tại nơi này từ cách đây khoảng 300 năm. Banstead là một trong 4 nơi trồng nhiều hoa oải hương nhất thế giới.

Dungeness Sequim (Mỹ)

Có tuổi đời ít hơn vùng Banstead, hoa oải hương được trồng ở thung lũng Dungeness Sequim từ cách đây khoảng 200 năm. Điểm đặc biệt nhất của vùng này là, tháng 6 hàng năm – thời gian mà hoa oải hương nở rộ nhất, nhân dân vùng Dungeness Sequim lại tổ chức Festival hoa oải hương. Lễ hội rộn ràng này đã thu hút hàng triệu khách du lịch trên khắp thế giới.

Y Lê, Tân Cương (Trung Quốc)

Diện tích trồng hoa oải hương tại thung lũng Y Lê (Trung Quốc) lên đến 20.000 ha. Chính vì vậy, mỗi khi mùa hè sang, khắp thung lũng Y Lê lại được tô điểm bởi màu tím dịu dàng của loài hoa nổi tiếng này.

Furano – Hokkaido (Nhật Bản)

Furano là thung lũng của các loài hoa. Tuy nhiên, nơi đây vẫn nổi tiếng nhất với những cánh đồng trồng hoa oải hương. Hoa oải hương được trồng Furano cách đây khoảng nửa thế kỷ.

Ngày nay, Furano đã trở thành địa điểm lý tưởng đối với những người yêu loài hoa này.

.
.
.
.
.