Sự tích hoa lan đốm

Tính tình lẳng lơ của Cucuxca, một cô gái nhà quê, khiến cho đám chị em phải ghen tức, song Cucuxca chỉ cười:

– Các người đã ghen tức ta khi ta có nhiều chàng trai đến tán tỉnh.

Cô cười khì khì và cất tiếng hát cho đến khi có chàng trai đầu tiên trong làng dẫn cô vào rừng tìm kiếm loài hoa dương xỉ. Họ có tìm được hoa hay không, không ai biết, chỉ biết là sau đêm lễ thánh, Cucuxca trở nên thuần tính hơn, và các chàng cũng xa lánh dần ngôi nhà của cô.

Rồi một hôm Cucuxca biến mất khỏi làng. Đến mùa Xuân có một đứa trẻ chào đời. Dân làng kháo nhau, Cucuxca sẽ mang về nhà một chú bé hoặc một con nhóc, song cô lại về tay không.

– Cô giấu đứa trẻ ở đâu? – Các chị em hỏi.

– Ta đã trao nó cho chị Chìa Vôi, nhờ nuôi hộ – cô gái đáp.

– Vì sao cô không nuôi nó?

– Ta không ngốc nghếch như các người đâu. – Cucuxca cười – Suốt ngày đêm các người bị trói buộc vào chiếc nôi con trẻ, không buồn tơ tưởng đến lời ca và điệu múa nữa. Ta thì muốn ngợi ca tuổi trẻ của mình. Ha ha – cô gái nhón chân quay ba vòng.

– Bây giờ cô chỉ lo hát hỏng, mai này về già, cô sẽ đơn độc như cái gốc cây không có đọt mầm.

– Ha ha ha! Nhưng các người đang phí phạm cả tuổi thanh xuân của mình bên những chiếc nôi và những đống tã lót.

– Khi về già ta sẽ tìm kiếm các con ta và bắt chúng phải nuôi ta.

Cô gái đã sống suốt cả cuộc đời như vậy – nghĩa là mỗi năm cô cho ra đời một đứa trẻ, nhưng ai là người nuôi nấng chúng, bản thân cô cũng như mọi người đều không hề biết.

Cucuxca chưa bước vào tuổi lên lão mà tóc đã bạc trắng, da mặt nhăn nhúm, lưng còng hẳn xuống. Lúc này đây nó mới thấy thương nhớ các con của mình và trông mong sự giúp đỡ của chúng.

Cucuxca đến nhà chim Chìa Vôi than thở với chị ta về nỗi đau khổ của mình. Vì nhẹ dạ, cô đã cho đi đứa con dứt ruột để ra, và bây giờ cô khao khát muốn xin lại nó.

Chìa Vôi không phải là ngốc nghếch, bèn hỏi xem Cucuxca đã trao cho ai đứa trẻ nào, trai hay gái? Trong khi Cucuxca sụt sùi khóc thì chị Chìa Vôi cười bảo:

– Sao không hát hỏng nữa đi…..

– Cucu! – Cucuxca nổi giận, chỉ cho Chìa Vôi xem chiếc mỏ dài – thì cứ giữ lấy đứa bé ta đã sai lầm cho đi ấy. Không vì thiếu nó mà ta hoá ra người hiếm hoi đâu. Ta sẽ đến gặp chị chim Cước Bạc Má, có thể chị ta sẽ không đến nỗi hẹp hòi vậy đâu.

Thật ra chim Cước Bạc Má rất thương Cucuxca, nhưng nó còn thương đứa con của Cucuxca mà nó đã chăm sóc hơn. Chim Cước Bạc Má bảo Cucuxca chờ rồi nó đích thân chạy đến khắp các nhà mà nó biết có những đứa con của Cucuxca vào rừng và để cho Cucuxca hỏi xem có đứa con nào chịu nhận Cucuxca làm mẹ không.

Cucuxca hỏi đứa thứ nhất, nó đáp:

– Cu-cu!

Hỏi đứa thứ hai, nó trả lời:

– Cu-cu!

Và tất cả đều đáp một giọng:

– Cu-cu! Cu-cu!

Cucuxca đã không đủ can đảm để nhận ra sự thật. Nó bất lực, đau đớn, lẳng lặng lết vào rừng rồi ngã vật xuống một đám rêu, nằm chờ chết.

Bỗng có tiếng cành cây gãy răng rắc và Cucuxca ngẩng đầu lên. Một cô gái chân khập khiễng đang tiến lại gần.

Cô gái trao cho Cucuxca và nói:

– Hãy uống đi, hỡi mẹ, nhựa bạch dương đấy.

Cucuxca ngạc nhiên trước câu nói vừa nghe được:

– Con gọi ta là gì, hãy nhắc lại ta nghe nào, Cucuxca khẩn khoản.

– Mẹ thân yêu. Mẹ chính là mẹ của con mà – cô gái đáp và nhìn Cucuxca âu yếm.

– Mẹ! – Tiếng nói tuyệt diệu làm sao!

– Nhưng vì sao con biết rằng ta là mẹ của con? – Bỗng dưng Cucuxca nghi ngại.

– Con lớn lên ở nhà bác Bách Thanh. Mẹ nuôi của con rất tốt đối với con, song bố dượng thì ghét bỏ, chửi bới. Một hôm ông uống rượu say về nhà và ném con ra sau cánh cửa. Từ đó con bị tàn tật. Con đã lần mò khắp các ngõ ngách trên đời này để tìm mẹ, mẹ ơi – cô gái ôm ghì lấy Cucuxca và cho mẹ uống nhựa bạch dương.

– Ôi ta mới ngu ngốc làm sao, – Cucuxca than thở – Ta đã không hiểu hạnh phúc là gì khi ta được gọi bằng một từ kỳ diệu nhất – “Mẹ”

Những giọt nước mắt to tròn trong suốt tràn ra từ khoé mắt Cucuxca – đó là những giọt nước mắt đầu tiên trong đời nàng và, ngay chính chỗ những giọt nước mắt vừa rỏ xuống đó đã mọc lên một bông hoa trắng ngần mà người đời quen gọi là Hoa Lan Đốm, hay “Hoa nước mắt của nàng Cucuxca”.

.
.
.
.
.